Header Ads

TẠI SAO ĐỐI THỦ CẠNH TRANH ĐẶT CỬA HÀNG SÁT CẠNH NHAU?

Những người mua xăng lười nhác và mô hình Hotelling
 Có một ví dụ về mô hình hoạt động của thị trường đơn giản mà rất thú vị do nhà kinh tế học Hotelling đề xuất.
 Trên một khu phố dài, có hai trạm bán xăng ở hai đầu, ta gọi là trạm xăng Trái và Phải. Và những người đi ô tô trong khu phố đều mua xăng theo nguyên tắc “lười nhác”, nghĩa là đi đến trạm bán xăng gần mình nhất. Như vậy lúc đầu lượng người mua xăng sẽ tương đối đồng đều cho hai trạm bán xăng. Nhưng nói chung những anh chàng chủ trạm xăng sẽ có xu hướng dịch trạm xăng của mình vào giữa khu phố.
 Tại sao lại vậy? Rất dễ hiểu. Những chiếc xe đang hoạt động giữa hai trạm xăng sẽ chia đôi cơ hội cho cả hai trạm xăng này, phụ thuộc vào khoảng cách từ nó đến trạm xăng nào gần hơn.
 Còn những chiếc xe ô tô không ở giữa hai trạm xăng đương nhiên sẽ chỉ có một lựa chọn duy nhất. Những chiếc xe nằm ở phía trái sẽ đến trạm xăng Trái, và những chiếc xe nằm ở phía phải sẽ đến trạm xăng Phải.
 Và do cả hai anh chàng chủ trạm xăng đều muốn tối đa hóa cái khoảng của riêng mình, nên cuối cùng kết cục dẫn đến là cả hai trạm xăng sẽ chập vào một chỗ ở trung tâm khu phố – nơi sẽ phải cạnh tranh nhiều nhất và có lẽ cũng bất hợp lý nhất.
cayxang27022007
 Hai anh chàng bán xăng cuối cùng sẽ đẩy cây xăng của mình chập vào một chỗ. (tương tự như 2 xe bán kem trên bãi biển – xem video)
Ví dụ trên của Hotelling được đưa ra như một mô hình cho thấy không phải lúc nào thị trường cũng vận hành theo cách hiệu quả nhất, như những nhà kinh tế học chính thống vẫn hằng tin tưởng.






John Nash và lý thuyết cân bằng


John Forbes Nash Jr., sinh ngày 13 tháng 6 năm 1928, là một nhà toán học nghiên cứu về lý thuyết trò chơi và hình học vi phân. Ở tuổi 30, khi đang cống hiến hết mình cho toán học, Nash mắc chứng tâm thần phân liệt kéo dài 25 năm. Năm 1994, nhờ những đóng góp của cân bằng Nash trong kinh tế, ông được trao giải Nobel Kinh tế. Cuộc đời của Nash đã được chuyển thể thành phim với tiêu đề “A Beautiful Mind”, dựa theo cuốn sách cùng tên của Sylvia Nasar và đã đoạt 4 giải Oscars 2002.
Cân bằng Nash là một khái niệm trong Lý thuyết Trò chơi (Game Theory), được tiến sỹ John Nash đưa ra trong luận án năm 1950 tại Priceton với mô hình trò chơi với n đối thủ. Cân bằng Nash xác định một chiến lược tối ưu cho các trò chơi khi chưa có điều kiện tối ưu nào được xác định trước đó. Định nghĩa cơ bản của cân bằng Nash là: Nếu tồn tại một tập hợp các chiến lược cho một trò chơi với đặc tính là không một đối thủ nào có thể hưởng lợi bằng cách thay đổi chiến lược hiện tại của mình khi các đối thủ khác không thay đổi, tập hợp các chiến lược đó và phần thu nhận tương ứng tạo nên cân bằng Nash. Nói cách khác, cân bằng Nash đạt được nếu như thay đổi một cách đơn phương của bất cứ ai trong số các đối thủ cũng sẽ làm cho chính người đó thu lợi ít hơn mức có được với chiến lược hiện tại. Khái niệm này áp dụng cho những trò chơi gồm từ hai đối thủ trở lên và Nash đã chi ra rằng tất cả các khái niệm khác nhau về giải pháp (solution) trong các trò chơi được đưa ra trước đó đều có cân bằng Nash.
Một ví dụ đơn giản: trong một trò chơi gồm hai đối thủ cùng chọn song song một số bất kỳ từ 0 đến 10. Người nào chọn số lớn hơn sẽ thua và phải trả tiền cho người kia. Trò chơi này chỉ có 1 cân bằng Nash duy nhất: cả hai đối thủ đều chọn số 0. Bất kỳ sự lựa chọn nào khác (mà không biết sự lựa chọn của đối thủ kia) cũng có thể làm đối thủ thua cuộc. Khi thay đổi luật chơi: mỗi đấu thủ sẽ được hưởng số tiền bằng con số mà cả hai cùng chọn, nếu không chọn trùng nhau thì không ai có tiền, ta sẽ có 11 cân bằng Nash.
Một trò chơi có thể có nhiều hoặc không có cân bằng Nash. Nash cũng chứng minh rằng nếu cho phép các chiến lược hỗn hợp (mixed strategies) tức là các đối thủ chọn ngẫu nhiên các chiến lược dựa vào khả năng đã được ấn định trước, thì bất cứ một trò chơi với n đối thủ nào trong đó mỗi đối thủ có thể chọn trong giới hạn cho trước nhiều chiến lược sẽ có ít nhất 1 cân bằng Nash của các chiến lược hỗn hợp.
Ví dụ với Trò chơi Phối hợp (Coordination Game). Đây là trò chơi ma trận đôi cổ gồm 2 đối thủ A và B. A thường ở bên trái (tương ứng với số đầu tiên trong cặp số), B thường ở phía trên (tương ứng với số thứ hai trong cặp số). Trò chơi phối hợp trong việc lái xe. Có thể chọn lái bên trái hoặc bên phải với 1 tức là không gây tai nạn và 0 tức là gây tai nạn.
Trong trường hợp này, ta thấy có 2 cân bằng Nash khi cả 2 cùng chọn hoặc lái bên trái hoặc lái bên phải.
Ví dụ với Song đề Tù nhân (Prisoner’s dilemma). Song đề này minh hoạ sự mâu thuẫn giữa hành vi cá nhân có năng lực suy đoán và lợi ích của việc hợp tác. Vấn đề mấu chốt là mỗi đối thủ đều cố gắng tối đa hoá lợi ích của mình mà không quan tâm tới lợi ích của những người khác, tức là đối thủ có tính ích kỷ. Song đề tù nhân có 1 cân bằng Nash khi cả 2 đối thủ đều không tôn trọng giao ước. Tuy nhiên cả 2 đều sai rõ ràng không bằng cả hai cùng hợp tác. Chiến lược hợp tác không bền vì một đối thủ có thể làm tốt hơn bằng cách không tôn trọng giao ước trong khi đối thủ của anh ta vẫn hợp tác.
Cân bằng Nash giúp làm rõ sự phân biệt giữa các trò chơi hợp tác và không hợp tác. Các trò chơi hợp tác có những thoả thuận có thể được áp đặt bời toà án chẳng hạn. Trong các trò chơi không hợp tác không tồn tại cơ chế thoả thuận như vậy. Và vì thế chỉ có các thoả thuận cân bằng được duy trì. Một hướng lý thuyết trò chơi mới được mở đường bằng cân bằng Nash xoá bỏ sự phân biệt này bằng cách xoá bỏ các cơ chế áp đặt có liên quan trong mô hình trò chơi, từ đó các trò chơi được mô hình hoá với tính chất không hợp tác.
Lý thuyết kinh tế về đấu giá cũng là một trong những áp dụng lớn của cân bằng Nash và lý thuyết trò chơi. Trước kia, các nhà kinh tế thường chỉ phân tích thị trường thông qua cung và cầu hàng hoá mà không chú trọng tới quy luật của “trò chơi” làm cho các hình thức đấu giá trở nên khác biệt với nhau và với các hình thức thị trường khác (thị trường chứng khoán, siêu thị…). Ngày nay nghiên cứu đấu giá thường dựa trên cân bằng Nash của các quy luật đấu giá.
P. Ordeshook Giáo sư chính trị học, Học viện công nghệ California, tác giả cuốn “Lý thuyết trò chơi và lý thuyết chính trị” đã viết: “Khái niệm cân bằng Nash có lẽ là ý tưởng quan trọng nhất trong lý thuyết trò chơi không hợp tác… dù trong việc phân tích chiến lược ứng viên / bầu cử, phân tích nguyên nhân chiến tranh,… hay hành động của các nhóm quyền lợi, dự báo về các sự kiện đều thu lại trong việc tìm kiếm và mô tả các trạng thái cân bằng. Đơn giản hơn, các chiến lược cân bằng là những dự đoán về con người”.
Trong thế kỷ 19, các nhà khoa học khác đã sử dụng lý thuyết cân bằng như Maxwell, Walrus, Gibbs. Đầu thế kỷ 20, cân bằng kinh tế và hoá học được sử dụng bởi van der Waals, Onnes, Keynes trước khi được Nash sử dụng. Nhiều nhà khoa học khác đã bổ sung cho lý thuyết của Nash trong thập kỷ 50 và 60 như Selten, Harsanyi, và tiếp túc khám phá các khả năng khác nhau của Lý thuyết cân bằng tổng thể (General Equilibrium Theory – GET) từ thập kỷ 70 tới thập kỷ 90, trong đó có Arrow, Hicks, và Debreu. Lý thuyết này vẫn được giảng dạy trong các trường đại học ngày nay. Lý thuyết của Nash đã trở thành một hệ thống giải thích và chứng minh đa dạng hơn rất nhiều so với khái niệm ban đầu của tác giả. Hệ thống ấy đang ngày một phát triển trong xã hội, ở cả những nơi mà Nash có lẽ không bao giờ nghĩ đến.
- See more at: http://ckd.incaocap.vn/2014/07/doi-thu-canh-tranh-dat-cua-hang-sat-canh-nhau.html#sthash.2Fb8dXVL.dpuf

No comments:

Powered by Blogger.