Nếu giỏi, đừng tới Google
"Trước khi thành công ở Hà Nội với một công ty phần mềm với hơn 100 nhân viên tôi từng thất bại nhiều lần....: - Nguyễn Minh Thảo - người sáng lập và quản lý của Umbala Labs, quán quân cuộc thi Forbes Vietnam Startup Contest 2015 chia sẻ.
Trước khi thành công ở Hà Nội với một công ty phần mềm với hơn 100 nhân viên, Nguyễn Minh Thảo từng thất bại nhiều lần. Nhưng anh bỏ mọi thứ vào Sài Gòn thành lập công ty Umbala - Ứng dụng quay video ngắn sử dụng các hiệu ứng kỹ xảo độc đáo, giúp các bạn trẻ khám phá con người và cuộc sống muôn màu khắp nới trên thế giới. Hiện tại, Umbala đang được lan truyền nhanh với các bạn trẻ ở Mỹ và Việt Nam.
Mọi người có quyền "ném đá"
Câu chuyện về Nguyễn Minh Thảo khởi nghiệp tôi từng được nghe cách đây khá nhiều năm. Nhiều người sẽ đồng ý với quan điểm của tôi rằng anh là một người giỏi. Tại sao anh không tìm cơ hội làm việc ở những công ty tầm cỡ thế giới như Google, hay Facebook mà phải cần mẫn khởi nghiệp?
- Tôi thì quan điểm nếu giỏi đừng tới Google, Facebook. Ở Việt Nam, nhiều người mơ ước được làm việc cho hai gã khổng lồ này nhưng ở Mỹ thì không hẳn như vậy.
Nếu không được chọn vào làm những công việc có hàm lượng nghiên cứu cao hay cực kỳ quan trọng thì bạn chỉ làm những việc rất nhỏ trong một tổ chức cồng kềnh, trước sau gì cũng bị thui chột năng lực bản thân. Mặt khác, tôi cũng nghĩ do Google và Facebook là những công ty đang hot nên nhiều người lầm tưởng vào đấy làm là giỏi. Sự thật không phải như vậy.
Nguyễn Minh Thảo đã chiến thắng cuộc thi Forbes Vietnam Startup Contest (2015) với ứng dụng Umbala. (Ảnh: NVCC)
|
Hiện nay, những người tài ở thung lũng Silicon Valleys sẽ luôn tìm cơ hội để được thử thách, được giải quyết những vấn đề mà họ tin là thay đổi thế giới -“change the world" ở các công ty start-ups (công ty khởi nghiệp).
Khi làm việc trong môi trường khởi nghiệp, họ luôn phải đối mặt mọi vấn đề mà không phải lúc nào cũng biết trước - đó chính là tạo động lực cho họ phát triển năng lực bản thân.
Bên cạnh đó, khi biết cách để phát triển một công ty khởi nghiệp từ con số 0, sau này họ cũng có thể phát triển công ty khởi nghiệp của riêng mình.
Với xuất phát điểm học ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khởi nghiệp từ lúc sinh viên năm 2 - “từng lên voi, xuống chó”, từng đạt những thành công mà bất kỳ ai cũng ngưỡng mộ - nhưng tôi vẫn quyết tâm từ bỏ tất cả để sang Mỹ tìm cơ hội để thực hiện khát khao đơn giản “thay đổi thế giới" như bao nhiêu người đến Silicon Valleys.
Lúc đầu, tôi nghĩ sẽ không ai nói chuyện với mình nhưng không phải. Ở đó, tất cả mọi người đều cởi mở nói chuyện. Họ sẵn sàng đối thoại vì họ không biết rằng những người đối diện họ có phải là một tỷ phú trong tương lai. Họ tìm sự khác biệt. Tôi phát hiện tất cả mọi người tài năng trên thế giới đều tập trung về đây.
Tôi có nghe một câu chuyện thế này. Một thanh niên ở Hi Lạp khi thấy cuộc đời bế tắc đã sang Mỹ bằng visa du lịch. Ngày đầu tiên anh ấy vào khách sạn Hotel California ở.
Tất cả mọi người trước khi đến Mỹ đều biết đến Mỹ qua những bộ phim bom tấn hay các bài hát như bài Hotel California của ban nhạc The Eagles. Sáng dậy, anh ta không biết làm gì ngoài ra ngoài đường gặp gỡ. Nhưng thanh niên này bắt đầu làm từ vị trí bán hàng và nhận ra mình phải khởi nghiệp và sau đó anh ấy đã bán công ty được vài chục triệu đô la.
Tôi chốt lại rằng ở Mỹ, nếu làm công ty khởi nghiệp sẽ giúp họ có những cơ hội mới hoặc làm ra những thứ mới cho thế giới này.
Với quan điểm khác người anh có sợ mọi người "ném đá"?
- Mọi người có quyền. Tôi chỉ thẳng thắn nói lên sự thật. Bạn biết Lê Yên Thanh chứ, một sinh viên rất giỏi.
Khi biết Thanh có ý định sang Google, tôi khuyên Thanh rằng, nếu em sang Mỹ làm cho Google, trong thời gian ba tháng em phải tìm mọi cách để được vào làm các công ty khởi nghiệp ở Silicon Valleys. Hai là bằng mọi cách để tìm có cơ hội làm nghiên cứu chuyên sâu của một lĩnh vực cụ thể sẽ cần trong tương lai.
Ở Việt Nam, có nhiều bạn lập trình viên rất tài năng sinh năm 1992, 1993, 1994, 1995, thậm chí học chưa xong hoặc không tốt nghiệp ĐH, nhưng các bạn được các công ty khởi nghiệp từ San Francisco mời làm việc với mức lương 3500 - 5000 USD/tháng.
Với tôi sang Google làm việc không có gì ghê gớm. Ở những công ty này, hiện nay đều có một câu cửa miệng: “Hôm nay là ngày cuối cùng tôi làm việc ở Google (Facebook). Ngày mai tôi làm việc ở UBer”. UBer là một cty startups lớn hiện đang hút hết nhân sự của hai công ty này, tạo hỗn loạn về nhân sự.
Vì sao như vậy? Vì ở Uber các bạn có rất nhiều cơ hội, đó là một môi trường mới, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết cho hệ sinh thái mới trên nền tảng UBer.
"Chúng ta đang ở trong một cái giếng quá lâu..."
Nhưng anh có công nhận rằng với các bạn trẻ Việt Nam được làm việc ở một công ty tầm cỡ thế giới là một cơ hội rất lớn?
- Chúng ta ở trong một cái giếng quá lâu nên không hiểu bên ngoài như thế nào. Nhiều người nói hiện nay đang ở trong cái ao 90 triệu dân và mọi người tìm cách xào nấu để kiếm tiền ở thị trường này.
Bản thân tôi khi chưa sang Mỹ đều nghĩ Google, Facebook thật kinh khủng. Thật tuyệt vời và rất nể họ. Và tôi nghĩ đây là nơi có những người giỏi nhất và tôi phải học hỏi họ.
Nhưng khi trực tiếp sống ở đấy, hàng ngày ăn cơm, uống nước làm những thứ liên quan đến công việc rất rõ ràng, tôi hiểu rằng thực chất đây là công ty rất lớn và mọi người là cái bánh xe.
Khi nói chuyện với những người Việt làm cho Google, tôi nhận ra thực ra các bạn không giỏi như những gì chúng ta nghĩ. Các bạn chỉ là những ốc vít trong bộ máy quá to và phải xử lý những việc rất bình thường. Sau một thời gian, năng lực các bạn bị thui chột rất nhiều.
Một ví dụ cụ thể, tôi quan sát em trai tôi và các bạn của nó, với xuất phát điểm là các bạn đều là những người Việt Nam ưu tú và rất có năng lực.
Tuy nhiên, em ấy chọn làm việc cho một công ty khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp ĐH còn các bạn em ấy làm việc cho Google hoặc Facebook. Trong thời gian hơn một năm, em ấy là một lập trình viên trong công ty chỉ có 20 lập trình viên tại Silicon Valleys nhưng phải xử lý công việc cực kỳ phức tạp để đáp ứng cho ứng dụng có hơn 200 triệu người dùng trên toàn thế giới.
Không dừng lại ở đó, em ấy hiểu sâu sắc cách để xây dựng và phát triển một sản phẩm đi từ con số 0 lớn lên nhanh chóng từng ngày như thế nào. Những kinh nghiệm và năng lực xây dựng hệ thống lớn như vậy rất khó có thể để tìm được ở các bạn cùng khoá làm việc ở các công ty như Facebook hay Google.
Từ một người có trong tay tất cả rồi trở lại con số không và hiện tại có trong tay cơ hội mà nhiều bạn trẻ mơ ước, những ngày đầu khởi nghiệp anh gặp khó khăn gì?
- Không chỉ riêng tôi mà tất cả những người khởi nghiệp có ba khó khăn lớn nhất.
Đầu tiên là thiếu người tài vì đơn giản là không ai tin những gì mình đang làm, rất khó để xây dựng được niềm tin của họ vào một công ty không rõ ràng và có quá nhiều rủi ro.
Thứ hai là người dùng đầu tiên, với chúng tôi họ là những người quý giá nhất họ quý hơn rất nhiều với cái khó khăn. Thứ 3 là tài chính.
Một ngày làm việc của anh như thế nào?
- Chúng tôi không phân định thời gian. Thực ra, chúng tôi làm việc đến khi nào mệt thì ngủ. Thường thì có thể làm từ 16 đến 18 tiếng một ngày.
Luôn stress vì không đủ thời gian làm việc
Với một công việc đòi hỏi áp lực rất lớn như vậy, anh cân bằng cuộc sống như thế nào?
- Tôi chia sẻ một câu chuyện như thế này. Tôi từng làm việc ở Hà Nội và có hơn 100 nhân viên làm việc cho mình. Một cuộc sống rất đầy đủ nhưng tôi luôn cảm thấy stress. Thời điểm đó tôi phải bạo chi để giải trí. Nhưng tôi cảm thấy không đúng điều mình đam mê.
Đam mê của tôi từ năm thứ hai ĐH cho đến nay là lập một công ty làm thay đổi thế giới.
Có thể nói 14 năm qua (từ 2002) - đây là thời điểm tôi đang làm được mọi thứ. Mặc dù, tôi là người nghĩ ra ý tưởng có thể đi trước thế giới ba năm. Nhưng ở Việt Nam tôi không làm được, nên tìm mọi cách sang Mỹ. Như vậy khi mình không làm đúng cái mình đam mê sẽ mất cân bằng và cảm thấy stress.
Khi vào Sài Gòn làm lại, sản phẩm đầu tiên tôi đánh sang thị trường Mỹ bị thất bại, có hai người ra đi. Công ty chỉ còn lại mình tôi và một người em. Chúng tôi sống như sinh viên. Sản phẩm đầu tiên của Umbala cũng ra đời trong hoàn cảnh này. Sau đó tôi mang sản phẩm này đi gặp trực tiếp người dùng mục tiêu để hỏi ý kiến, rồi mang đến các cuộc thi lớn hơn cho khởi nghiệp như Forbes Startups Contest 2015 với mục đích là để thu thập các ký kiến trái chiều về sản phẩm.
Đến giờ tôi đã có một đội ngũ cực kì trẻ chủ yếu là 9X. Thành công hay không, tôi không dám khẳng định, nhưng sản phẩm các bạn làm ra đẳng cấp thế giới. Và tôi vẫn stress vì mình làm một thứ đi trong bóng tối, phải dò đường. Và stress vì cảm thấy không đủ thời gian để làm việc. Nhưng tôi cũng có thời gian nghỉ ngơi. Ngoài ra cũng có những thứ rất hay ho.
Bản thân tôi nhiều lúc cũng rất mệt mỏi và chán nên sinh ra những trò chơi rất hoang phí và ngông nghênh. Nhưng tôi không bỏ cuộc. Vì những việc tôi làm hiện nay giống như máu trong cơ thể. Đã là máu thì suốt ngày vẫn chảy.
Các bạn trẻ hãy "im lặng làm việc"
Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ chập chững khởi nghiệp không?
- Khi tổng giám đốc Google sang Việt Nam có khuyên sinh viên rằng: Các bạn hãy làm thật tốt thị trường Việt Nam rồi tới thị trường thế giới. Họ nói vậy vì họ thấy tất cả những người đang ngồi đều có tư tưởng đó và theo văn hoá Mỹ họ sẽ nói những gì người khác muốn nghe.
Đây cũng không phải là điều sai. Nhưng tôi cho rằng đã khởi nghiệp đừng nghĩ chúng ta chỉ khởi nghiệp ở Việt Nam, mà hãy trở thành những người khởi nghiệp của thế giới. Đừng nghĩ mọi thứ trong phạm vi Việt Nam bởi thị trường Việt Nam rất nhỏ bé hãy tìm cơ hội ở thị trường đại dương rộng lớn.
Các nhà đầu tư không quan tâm 90 triệu dân mà họ quan tâm bạn ảnh hưởng như thế nào tới thế giới. Có thể xuất phát điểm hãy làm ảnh hưởng một phần thế giới như ở các nước đang phát triển khác như Ấn Độ, Brazil, …(Có rất nhiều startups tại Silicon Valleys đang phát triển thị trường mục tiêu chủ yếu ở các nước đang phát triển).
Từng tiếp xúc với nhiều bạn trẻ anh nhận xét gì về họ?
- Trong quá trình khởi nghiệp, tôi có tư vấn khoảng 200 bạn và thấy trong vài năm đầu tiên các bạn hùng hục chiến đấu rất khí thế nhưng sang năm thứ 3 bắt đầu xẹp hẳn. Vì các bạn thiếu một tầm nhìn xa và không biết điều gì là quan trọng.
Qua tiếp xúc với rất nhiều bạn tôi thấy các bạn hay “chém gió” - tức làm ít nói nhiều. Họ nói khiến tôi thấy “choáng".
Nhưng thực tình tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng hãy “im lặng làm việc”.
- Cảm ơn bạn!
- Lê Huyền (thực hiện)
có thể bạn quan tâm :
Khởi nghiệp ,sách khởi nghiệp, seo , aso , lập trình android , kĩ năng mềm , tâm lí học , kinh doanh , thiết kế , trải nghiệm người dùng ,
No comments: