Học tiếng Anh hiệu quả bằng phương pháp Input
Hôm nay chúng ta sẽ bàn về phương pháp học tiếng Anh input, vậy input nghĩa là gì và tại sao chúng ta lại phải cần nó để có thể giỏi tiếng Anh? Theo mình nghĩ, thực ra việc học ngoại ngữ của chúng ta cũng giống như việc một em bé khi học nói vậy. Từ trong bụng mẹ thì em bé đã có thể nghe thấy mọi người nói, khi chào đời em bé đó tiếp tục lắng nghe thêm mấy năm nữa trước khi bập bẹ được vài câu (chủ yếu là lặp lại các câu mà nó nghe thấy người lớn nói, nên nhiều lúc rất buồn cười), cứ dần dần theo thời gian thì các nơ-ron thần kinh kết nối với nhau và hình thành nếp nhăn trên vỏ não, đến tuổi lên 5 thì em bé đó đã nói được khá hoàn chỉnh.
Việc học ngoại ngữ ở người lớn tuổi thì khó hơn rất nhiều, vì tiếng mẹ đẻ đã hình thành và hằn sâu trong bộ não của chúng ta. Bởi vậy mình nghĩ nếu muốn nghe nói được như người bản xứ thì mình phải input (nghe & đọc) thật nhiều. Bộ não em bé thì giống như một cái ổ cứng HDD mới mua về, chưa có dữ liệu gì trong đó nên “ghi” vào dễ hơn. Còn bộ não của người lớn thì giống như một cái HDD cũ chứa đầy dữ liệu, bởi vậy chúng ta phải tìm cách format, fdisk nó (hay còn gọi là tẩy não ) bằng phương pháp input thật nhiều. Quá trình này khá “đau khổ”, nhưng mình đang áp dụng và thấy rất hiệu quả.
Bạn hãy đọc bài viết sau để rõ hơn về phương pháp input này nhé! Chúc bạn thành công.
Bạn cần phải input vào bộ não thật nhiều tiếng Anh (đọc & nghe) trước khi có thể output như người bản xứ!
Mô hình của việc học ngôn ngữ
Bạn đã từng bao giờ tự hỏi rằng làm thế nào mà mình lại có khả năng nói tiếng mẹ đẻ dễ dàng đến như vậy? Khi bạn muốn nói một điều gì đó (diễn tả một ý nào đó) và thế là các câu và cụm từ đúng cứ tuôn trào đến bạn. Hầu hết quá trình này đều diễn ra một cách vô thức: các nội dung cứ xuất hiện trong đầu của bạn. Bạn có thể diễn đạt nó ra, nhưng bạn không biết là nó đến từ đâu. Mô hình này sẽ giải thích quá trình đó diễn ra như thế nào:
- Bạn nhận thông tin vào đầu mình (input) — khi bạn đọc và lắng nghe các câu trong một số ngôn ngữ. Nếu bạn hiểu những câu đó, thì chúng sẽ được lưu trữ vào trí não của bạn. Đặc biệt hơn, chúng sẽ được lưu trữ vào phần của bộ não mà chịu trách nhiệm về mặt ngôn ngữ của bạn.
- Khi bạn muốn nói hoặc viết một điều gì bằng ngôn ngữ đó (khi mà bạn muốn đưa ra mộtoutput), thì bộ não của bạn có thể tìm kiếm một câu mà bạn đã từng nghe hoặc đọc trước đây — một câu phù hợp với ngữ nghĩa mà bạn đang muốn diễn đạt. Sau đó, bộ não bắt chước những câu này (để tạo ra một câu y chang hoặc gần giống như vậy) và bạn sẽ nói câu “của bạn” trong ngôn ngữ đó. Quá trình này diễn ra hoàn toàn vô thức: bộ não sẽ thực hiện công việc một cách hoàn toàn tự động.
Bình luận về mô hình nói trên
Dĩ nhiên, mô hình này thì rất đơn giản. Bộ não không thực sự tìm kiếm toàn bộ các câu, mà đúng ra là nó tìm các phần của các câu (các cụm từ). Nó có thể tạo ra các câu rất dài và phức tạp từ những phần này. Vì vậy nó không chỉ “bắt chước” một câu tại một thời điểm. Nó sử dụng nhiều câu tại một thời điểm để tạo ra những câu mới.
Ví dụ, bộ não “biết” rằng nó có thể lấy một từ trong một câu mà nó đã từng nghe và thay thế một từ khác (một từ tương đương) cho từ đó. Ví dụ, nếu nó đã từng nghe câu “The cat is under the table (Con mèo ở dưới cái bàn)”, thì nó có thể dễ dàng tạo ra câu “The dog is under the table (Con chó ở dưới cái bàn)” hoặc “The book is under the chair (Cuốn sách ở dưới cái ghế)” (nếu nó cũng đã từng nghe và hiểu các danh từ như dog, book, và chair). Nó có thể thay thế nhiều hơn một từ, như là “The cat is under the big black table (Con mèo nằm dưới cái bàn lớn màu đen đó)”.
Bộ não cũng có thể làm những chuyển đổi cao cấp hơn. Nếu bạn đưa cho bộ não 3 câu sau đây,
I like golf. (Tôi thích chơi gôn.)
I like fishing for salmon. (Tôi thích câu cá hồi.)
Golf is relaxing. (Chơi gôn rất thư giãn.)
thì nó có thể tạo ra câu này:
Fishing for salmon is relaxing. (Câu cá hồi thì rất thư giãn.)
Ở đây, một cụm từ chứa danh động từ (“fishing for salmon — câu cá hồi”) đã được dùng để thay thế cho một danh từ thông thường (golf — gôn). Và kết quả là, chúng ta nhận được một câu hoàn toàn mới mà không giống bất kỳ câu nào trong số 3 câu đầu vào (input).
Những nghiên cứu này không thay đổi một thực tế quan trọng bậc nhất rằng: bộ não của chúng ta cần thu nhận nhiều dữ liệu đầu vào (input). Càng nhiều câu dễ hiểu và đúng mà nó nhận được, thì nó càng có thể bắt chước nhiều câu và thậm chí tốt hơn nữa là nó tự tạo ra các câu của riêng bạn.
Thực ra mô hình của việc học ngôn ngữ được mô tả phía trên thì cơ bản dựa trên “giả thuyết về sự nhận thức” (hay còn gọi là “giả thuyết input”) được đề xuất bởi giáo sư Stephen Krashen (thuộc trường đại học Southern California – Hoa Kỳ) và là một phần của công trình “hướng tiếp cận tự nhiên” của ông tới việc học ngôn ngữ.
Mô hình này mô tả quá trình của một em bé trong việc học ngôn ngữ đầu tiên (ngôn ngữ mẹ đẻ) của nó. Em bé đó lắng nghe bố mẹ và người khác nói chuyện trong nhiều năm. Bộ não của nó sẽ thu thập các câu và ngày càng trở nên tốt hơn từng chút một trong việc tạo ra các câu của riêng nó. Và đến tuổi lên 5, em bé đó có thể đã hoàn toàn nói được khá trôi chảy.
Nhưng mô hình đó cũng đúng cho việc học một ngoại ngữ. Trên thực tế, có lẽ đó là cách duy nhất để học tốt một ngôn ngữ.
Mô hình nào dành cho người học ngoại ngữ
Đây là những điểm quan trọng nhất trong mô hình nói trên từ góc nhìn của việc học ngoại ngữ:
- Bộ não tạo ra các câu dựa trên những câu mà nó đã từng nhìn hoặc nghe thấy (input). Vì thế bạn hãy tăng cường việc cung cấp cho bộ não của mình thật nhiều dữ liệu input — đó là các câu đúng và dễ hiểu (trong cả viết và nói). Trước khi bạn có thể bắt đầu nói và viết bằng một ngoại ngữ thì bộ não của bạn phải nạp đủ các câu đúng trong ngôn ngữ đó đã.
- Output (nói hoặc viết ra) thì không quan trọng bằng. Đó không phải là cách để cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ của bạn. Trong thực tế, nên nhớ rằng bạn có thể phá hủy độ chuẩn tiếng Anh của mình thông qua việc output ra một cách quá sớm và quá cẩu thả (nói và viết ra một thứ tiếng Anh bồi sẽ làm bạn không bao giờ có thể sử dụng đúng tiếng Anh chuẩn được nữa).
- Bạn không cần nắm các quy tắc ngữ pháp. Bạn đã học tiếng mẹ đẻ của mình mà không cần phải học các thì hoặc giới từ đúng không? Bởi vậy bạn cũng có thể học một ngoại ngữ theo cách đó.
Phương pháp Input có thể thay đổi trình độ tiếng Anh của bạn như thế nào
Nếu bạn đọc một vài cuốn sách tiếng Anh, thì bạn sẽ nhận ra rằng vốn tiếng Anh của mình đã trở nên tốt hơn. Bạn sẽ bắt đầu sử dụng những từ vựng và ngữ pháp mới học được trong bài luận tại trường và các bức email. Bạn sẽ rất ngạc nhiên, nhưng các cụm từ tiếng Anh cứ tuôn đến với bạn khi bạn viết hoặc nói! Những thứ kiểu như thì quá khứ đơn và cách sử dụng từsince sẽ trở thành một phần của bạn. Bạn sẽ sử dụng chúng một cách tự động mà không cần phải suy nghĩ gì. Các cụm từ đúng sẽ cứ xuất hiện trong đầu bạn.
Việc sử dụng tiếng Anh sẽ trở nên dễ dàng hơn, bởi vì bộ não của bạn chỉ lặp lại những thứ mà nó đã từng nhìn thấy rất nhiều lần. Bằng cách đọc sách bằng tiếng Anh, bạn đã cung cấp cho bộ não của mình hàng ngàn câu tiếng Anh. Bây giờ chúng là một phần của bạn. Làm sao mà bạn có thể phạm một lỗi khi nói là feeled, nếu bạn đã nhìn thấy dạng đúng của nó làfelt đến 50 lần trong cuốn sách bạn vừa đọc gần đây cơ chứ? Chỉ đơn giản là bạn không thể phạm lỗi đó chút nào nữa.
Chắc chắn bạn sẽ để ý rằng có một sự tiến bộ trong bài kiểm tra tiếng Anh tiếp theo của mình. Ví dụ, trong các câu hỏi dạng trắc nghiệm, bạn sẽ “cảm thấy” đáp án nào là đúng. Bạn có thể không biết “tại sao” nó lại đúng (bởi vì bạn không có khả năng đưa ra các quy tắc cho nó), nhưng bạn sẽ biết là nó đúng. Bạn biết điều đó bởi vì bạn đã đọc nó rất nhiều lần.
Điều này đúng cho cả các từ và cấu trúc ngữ pháp. Nếu bạn đọc trong tiếng Anh, thì bạn có thể quên đi các quy tắc về ngữ pháp. Hãy quẳng cuốn sách ngữ pháp của bạn ra xa! Bạn không cần biết các quy tắc cho thì hiện tại hoàn thành. Thậm chí bạn không cần biết đến cái tên “thì hiện tại hoàn thành” là gì cả. Thay vì đó, hãy đọc một vài cuốn sách bằng tiếng Anh, và bạn sẽ sớm cảm thấy rằng câu “I have seen Paul yesterday” là sai, và “I saw Paul yesterday” là đúng. Câu đầu tiên chỉ đơn giản là nghe thấy sai. Làm sao mà bạn biết? Rất đơn giản. Bộ não của bạn đã nhìn thấy dạng câu thứ hai đến 192 lần, và dạng câu thứ nhất là 0 lần.
Bạn có biết điểm khác biệt giữa một học viên và một người nói tiếng bản xứ không? Người bản xứ “cảm thấy” điều gì đó là đúng. Anh ta có thể nói rằng một câu nào đó nghe có vẻ đúng hay sai (gượng gạo) và anh ta không cần sử dụng các quy tắc ngữ pháp để nhận ra điều đó. Anh ta có thể làm điều này bởi vì anh ta đã nghe và đọc rất nhiều câu tiếng Anh trong cuộc đời của mình. Điểm khác biệt duy nhất giữa một học viên và một người bản xứ — đó là số lượng dữ liệu đầu vào (input). Bạn cũng có thể trở thành giống như một người bản xứ nếu bạn cũng input (đọc & nghe) thật nhiều.
Tôi đã nhận ra mình là một người nói tiếng Anh bản xứ như thế nào
Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được khoảnh khắc lần đầu tiên mình mở cuốn sách Practical English Usage của tác giả Michael Swan (một cuốn sách tuyệt vời để tham khảo về cách dùng ngữ pháp tiếng Anh). Đó là vào thời điểm tôi đang học năm cuối ở trung học và lúc đó tôi cũng đã rất giỏi tiếng Anh rồi. Cuốn sách đó thì chứa đầy đủ về ngữ pháp tiếng Anh và cách dùng trong các tình huống kiểu như “khi nào thì bạn nên sử dụng below và khi nào thì nên sử dụngunder?” và “những dạng nào mà bạn có thể diễn tả cùng với từ must?”. Với mỗi vấn đề, đều có các câu ví dụ (chỉ ra cách đúng và sai khi nói một điều gì đó) và các quy tắc kiểu như là “Sử dụng under khi một vật gì đó bị bao bọc hoặc che khuất bởi một vật khác ở trên nó, và khi đồ vật đó có thể sờ tới được”.
Tôi lướt qua cuốn sách đó, xem hết trang này đến trang khác. Khi xem một ví dụ không đúng, tôi đã nghĩ “Dĩ nhiên là câu này sai; trông nó thấy mà ghê”. Và khi xem các quy tắc ngữ pháp, tôi đã nghĩ rằng “Ồ, mình đâu có biết những quy tắc này đâu”. Cứ trang này qua trang khác, tôi đã có một ấn tượng rằng mình không biết một chút gì về các quy tắc trong cuốn sách đó, và… tôi cũng không cần chúng! (Thực ra nếu có muốn thì tôi cũng chẳng thể học và nhớ hết cả mớ ngữ pháp như vậy). Tôi có khả năng chỉ cần nhìn vào một câu và có thể “phán” ngay là nó đúng hay sai.
Tôi đã trở nên giống như người bản xứ nói tiếng Anh. Bằng cách đọc sách, xem TV, lắng nghe các bản ghi âm, v.v… Tôi đã thực hiện rất nhiều input (đọc & nghe) và đã phát triển được một trực giác trong tiếng Anh.
Còn bạn thì sao? Bạn nghĩ gì về phương pháp học tiếng Anh theo kiểu Input này? Hãy chia sẻ vài dòng kinh nghiệm ở phần bình luận phía dưới nhé!
theo : http://vinacode.net/2014/09/10/hoc-tieng-anh-hieu-qua-bang-phuong-phap-input/
No comments: