Khởi nghiệp : Phần 1 - Ý tưởng
[Note: Đây là các bài dịch từ cuốn sách “Startup playbook” do Sam Altman viết. Đọc bản tiếng Anh tại đây. Mình thấy quyển này hay và cũng thích Y Combinator từ trước nên dịch. Mình không phải người dịch chuyên nghiệp, nếu chỗ nào sai, mọi người comment để mình sửa nhé.]
Chúng tôi đã làm cố vấn cho rất nhiều startups khác nhau. Mặc dù biết rằng tư vấn 1–1 mới mang lại hiệu quả cao nhất, chúng tôi nghĩ rằng có thể sẽ phát triển Y Combinator mạnh hơn nếu chúng tôi có thể đưa ra những lời khuyên khái quát nhất cho startup vào một quyển sách. Ban đầu, chúng tôi dự định dành tặng cho những công ty tham gia Y Combinator (YC). Nhưng sau đó, chúng tôi quyết định sẽ tặng quyển sách này cho tất cả mọi người, những người mới chân ướt chân ráo bước vào thế giới khởi nghiệp.
Những kiến thức trong quyển sách này có thể sẽ không còn mới cho những ai thường xuyên đọc các bài báo do các thành viên YC viết. Có thể chúng tôi sẽ viết phần II cho quyển sách này- “Làm sao để tăng trưởng startup”, nhưng tạm thời, quyển I này sẽ chỉ tập trung “Làm sao để bắt đầu một startup”.
Cuốn sách gồm 4 phần
Phần 1. Ý tưởng | Phần 2: Team tốt | Phần 3: Sản phẩm tốt | Phần 4: Triển khai
Mục tiêu của bạn khi khởi nghiệp chắc chắn là để tạo ra một sản phẩm mà người dùng yêu thích. Nếu đúng như thế, thì sau đó bạn sẽ phải tính đến việc làm sao để tăng thêm người dùng. Nhưng đó không phải là phần quan trọng nhất. Hãy thử nghĩ về những công ty thực sự thành công ngày hôm nay. Tất cả các công ty này đều bắt đầu với một sản phẩm tốt đến nỗi mà những người dùng đầu tiên của họ tự nguyện giới thiệu nó với những người khác. Nếu bạn không làm được điều này như họ, chắc chắn bạn sẽ thất bại. Hoặc bạn tự lừa phỉnh bản thân mình rằng người dùng nào cũng yêu thích sản phẩm của bạn, bạn cũng sẽ thất bại.
Nghĩa trang startup vứt đầy những người nghĩ rằng mình không cần làm bước này. Sẽ tốt hơn rất nhiều để bắt đầu một sản phẩm với một vài người cùng YÊU nó hơn là một sản phẩm với nhiều người chỉ THÍCH nó. Nghe có vẻ giống nhau nhưng việc lấy thêm người dùng (những người sẵn sàng yêu bạn) thì dễ hơn là cố gắng làm những người thích bạn thành yêu bạn.
Một lời cảnh báo cho bất cứ ai định khởi nghiệp: mệt mỏi v~ đấy! Một trong những lời phàn nhàn nhiều nhất chúng tôi nghe từ founder của các công ty tại YC là nó vất vả hơn nhiều so với họ tưởng tượng, bởi vì họ không lường trước được những việc phải làm và áp lực khi khởi nghiệp. Tham gia vào một startup khi nó đã đi vào quỹ đạo thì thường sẽ tốt hơn và dễ dàng hơn về mặt tài chính.
Nhưng mặt khác, khởi nghiệp cũng không mang lại nhiều rủi ro cho sự nghiệp của bạn lắm đâu. Nhất là, nếu bạn thật sự giỏi công nghệ, sẽ luôn luôn có nhiều cơ hội nghề nghiệp cho bạn. Phần lớn chúng ta không giỏi nhận định rủi ro. Cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng lựa chọn rủi ro lớn nhất là khi chúng ta thực sự say mê một ý tưởng/ một dự án nào đó nhưng vẫn chọn một công việc an toàn, nhàn nhã và đơn giản.
Tóm lại, để có một startup thành công, bạn cần: một ý tưởng tuyệt vời (bao gồm cả một thị trường lớn tiềm năng), một team tuyệt vời, sản phẩm tuyệt vời và triển khai cũng phải tuyệt vời!
Phần 1: Ý tưởng
- Một trong những điều đầu tiên chúng tôi hỏi các công ty tham gia YC là họ đang xây dựng sản phẩm gì và tại sao.
Chúng tôi cần những câu trả lời rõ ràng, súc tích. Đây là điều cần thiết để đánh giá cả bạn-với tư cách là founder cũng như chính ý tưởng đó. Là một founder, bạn cần phải có khả năng suy nghĩ và giao tiếp rõ ràng- vì bạn sẽ phải tuyển dụng, gọi vốn, bán hàng, …Các ý tưởng nói chung cần phải rành mạch để truyển đạt (cho người khác hiểu); và các ý tưởng phức tạp phần lớn là một dấu hiệu của lối suy nghĩ lộn xộn hoặc một vấn đề không thực. Nếu một ý tưởng mà không thực sự khiến ít nhất một vài người phấn khích khi nghe nó lần đầu tiên, thì cũng chẳng hay ho lắm.
2. Một điều nữa chúng tôi sẽ hỏi là ai là những người đang thực sự cần sản phẩm này.
Trường hợp tốt nhất, chính bạn nên là đối tượng mục tiêu của sản phẩm. Trường hợp tốt thứ nhì là bạn hiểu đối tượng đó cực kì tốt.
Nếu công ty đó đã có người dùng rồi, chúng tôi sẽ hỏi có bao nhiêu người dùng và số lượng đó đang tăng lên như thế nào. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu tại sao nó không tăng trưởng nhanh hơn và đặc biệt quan tâm xem người dùng có yêu thích sản phẩm đó không. Thông thường, điều này có nghĩa là họ (người dùng) sẽ tự lôi kéo bạn bè để dùng sản phẩm đó mà không cần công ty phải khuyến khích. Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm liệu công ty có tạo ra doanh thu không, nếu không thì tại sao.
Nếu công ty đó chưa hề có người dùng, chúng tôi sẽ tạo ra những thứ tối thiểu đủ để kiểm nghiệm giả thiết. Nghĩa là, chúng tôi trả lời câu hỏi phải bắt đầu từ đâu để cuối cùng có thể mang lại một sản phẩm hoàn hảo.
Cách tốt nhất để kiểm nghiệm một ý tưởng là (1) mang nó ra ngoài thị trường và xem điều gì sẽ xảy ra hoặc (2) cố gắng bán nó trước (ví dụ, hãy cố lấy được một thỏa thuận đồng ý mua của khách hàng trước khi code). Cách đầu tiên hợp với các sản phẩm cho người tiêu dùng vì họ có thể NÓI với bạn rằng họ sẽ dùng nó nhưng thực tế, thì thường không (nên bạn mới cần có sản phẩm thật để kiểm nghiệm- ND). Cách thứ 2 hợp với những sản phẩm cho doanh nghiệp vì nếu một công ty nói sẽ mua sản phẩm của bạn, họ sẽ thường làm như vậy (nên bạn có thể tin rằng ý tưởng của bạn tốt -ND). Đặc biệt, nếu bạn đang là một công ty B2B rồi, chúng tôi sẽ hỏi bạn liệu bạn đã có một bức thư đồng ý mua sản phẩm của bạn chưa. Với phần lớn các công ty công nghệ sinh học và phần cứng thì cách tốt nhất để kiểm nghiệm một ý tưởng là nói chuyện với khách hàng tiềm năng, rồi xem phần nhỏ nhất nào của sản phẩm bạn có thể xây dựng được đầu tiên.
Sẽ là rất quan trọng để bạn tiếp tục cải tiến ý tưởng của mình khi bạn nhận được feedback từ người dùng. Bạn cần cực kì hiểu người dùng — bởi bạn cần nó để đánh giá ý tưởng, xây dựng sản phẩm tốt và là sau đó lmột công ty tuyệt vời.
3. Một điều nữa, chúng tôi sẽ hỏi founder là tại sao họ lại muốn bắt đầu công ty này. Bởi vì như tôi đã nói, khởi nghiệp thực sự vất vả. Nó cần thời gian và đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ. Founder và toàn bộ nhân viên cần phải chia sẻ sứ mệnh của công ty mình để có thể duy trì được nó.
4. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ hỏi bạn làm thế nào để công ty bạn có thể trở thành độc quyền (monopoly) trong tương lai . Có rất nhiều thuật ngữ cho từ này, nhưng chúng tôi thích cách dùng của Peter Thiel. Tất nhiên, chúng tôi không muốn bạn cư xử một cách phi đạo đức để cạnh tranh với đối thủ của mình. Thay vào đó, chúng tôi tìm kiếm những doanh nghiệp đủ sức mạnh và tầm vóc để những đối thủ khác khó lòng bắt chước.
5. Cuối cùng chúng tôi sẽ hỏi tới thị trường mục tiêu của bạn: nó đang như thế nào, nó sẽ phát triển nhanh ra sao và tại sao nó sẽ trở nên lớn hơn nữa trong vòng 10 năm tới? Chúng tôi cố gắng hiểu tại sao thị trường đó sẽ tăng trưởng nhanh và tại sao nó lại tốt cho startup gia nhập. Chúng tôi rất quan tâm tới những xu hướng công nghệ lớn đang hình thành mà phần lớn mọi người chưa nhận ra. Thường, các ông ty lớn thường không giỏi để nhận ra điều đó. Về thị trường, mới nghe có vẻ không đúng lắm, nhưng câu trả lời tốt nhất là bạn sẽ ăn được một phần lớn của một thị trường nhỏ.
Sau đây là một vài suy nghĩ chung của chúng tôi về ý tưởng:
Chúng tôi thích những ý tưởng mới hơn là những ý tưởng phái sinh. Phần lớn các công ty lớn đều bắt đầu với một ý tưởng cực kì mới (một định nghĩa tốt về sự mới là nó tốt hơn cái hiện tại đến 10 lần). Nếu có 10 công ty khác cùng khởi nghiệp ở cùng một thời điểm với cùng một kế hoạch để làm một sản phẩm giống với những cái đã có trên thị trường, chúng tôi sẽ rất ngờ vực (về sự thành công của nó- ND).
Một lý do có vẻ ngược đời nữa là vì làm cái gì đó mới thì dễ hơn so với làm những điều tương tự người khác. Bởi vì người ta sẽ muốn giúp bạn và tham gia cùng bạn nếu nó là một ý tưởng tiên phong và ngược lại.
Những ý tưởng tốt nhất mới nghe có vẻ không hấp dẫn lắm nhưng thực tế lại tốt. Thế cho nên bạn không cần phải giấu diếm ý tưởng của mình quá làm gì — vì nếu nó tốt thật thì nghe quá nó lại không đáng để ăn trộm đâu. Hoặc kể cả nó đang để bị ăn cắp, thì số những người có một ý tưởng tốt vẫn nhiều gấp hàng nghìn lần những người dám biến ý tưởng đó thành một công ty lớn. Và quan trọng hơn, nếu bạn nói cho người khác biết, bạn đang định làm gì, người ta có thể giúp bạn.
Nhân nói về việc nói cho người khác biết ý tưởng của bạn, mặc dù việc có thể làm một vài người lần đầu tiên nghe nó thấy thích thú rất quan trọng, thì phần lớn mọi người sẽ bảo là ý tưởng của mày chán òm. Có thể họ đúng. Có thể họ không biết cách đánh giá một ý tưởng. Cũng có thể bọn họ ghen ghét với bạn. Dù là gì đi chăng nữa thì chắc chắn nó sẽ xảy ra nhiều lần, khiến bạn nản lòng. Kể cả khi bạn tin rằng mình sẽ không bị lung lay đây, bạn vẫn sẽ thấy buồn. Bạn càng có thể tin vào bản thân mình và không bị khuất phục bởi những kẻ ghen ghét mình nhanh bao nhiêu, thì bạn sẽ càng trưởng thành bấy nhiêu. Mà sau này dù bạn có thành công đến thế nào, vẫn sẽ có người ghen ghét bạn (nên giờ đừng để tâm đến bọn đấy -ND).
Sẽ ra sao nếu bạn không có một ý tưởng nào nhưng vẫn muốn khởi nghiệp? Tôi nghĩ là đừng nên. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu bạn có ý tưởng trước và khởi nghiệp chỉ là cách để bạn mang ý tưởng đó tới thế giới.
Chúng tôi đã cố gắng làm một thí nghiệm bằng cách rót vốn cho những team startup đầy tiềm năng nhưng chưa có ý tưởng nào cả. Chúng tôi hi vọng rằng họ sẽ đưa ra một ý tưởng hay ho nào đó sau đó. Nhưng cuối cùng họ đều thất bại. Tôi nghĩ rằng, mộ phần lý do là bởi những founder giỏi thường có rất nhiều ý tưởng tốt (quá nhiều là đằng khác). Nhưng vấn đề lớn hơn cả là, một khi bạn đã khởi nghiệp, bạn phải nhanh chóng bám lấy một ý tưởng và nó không thể quá điên rồ được (vì bạn sẽ phải trở thành một công ty chứ). Thế rồi, rốt cục bạn lại đi theo một ý tưởng nghe có vẻ hợp lý nhưng lại na ná một cái khác. Đây là sự nguy hiểm giả giai đoạn pivot (* Pivot là giai đoạn startup không đạt được những gì đã đặt ra nhưng có một vài tài sản có thể tái sử dụng để hỗ trợ kế hoạch mới của mình.)
Nên tốt hơn cả là đừng cố ép buộc mình phải đưa ra được một vài ý tưởng khởi nghiệp nào đó. Thay vào đó, hãy học về thật nhiều thứ khác nữa. Học cách lưu ý các vấn đề -những cái còn chưa hiệu quả. Học về những xu hướng công nghệ mới quan trọng. Làm những thứ bạn thực sự hứng thú. Ra khỏi cái “kén” của mình để gặp gỡ những người thông minh và thú vị. Một lúc nào đó, ý tưởng sẽ tự xuất hiện.
No comments: