Money Lover cán mốc 1 triệu người dùng toàn cầu
Bản tin khởi nghiệp tháng 3
1. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng mong muốn các ngân hàng hỗ trợ làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ
Cho rằng tinh thần khởi nghiệp đang rất cao, không chỉ người lớn mà ngay cả các em học sinh cũng đã bắt tay vào kinh doanh, Bí thư Thăng đề nghị ngân hàng tích cực hỗ trợ vốn để đưa TP HCM thành đô thị khởi nghiệp.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chia sẻ khi làm việc tại Đại học Tôn Đức Thắng, ông thấy có nhiều sáng kiến được Bộ Thương mại Mỹ cấp bằng sáng chế, nhưng chưa đưa vào thương mại hóa được vì thiếu vốn. Như sáng chế y tế là giường bệnh thông minh, thiết bị nâng chuyển bệnh nhân và thiết bị nâng bệnh nhân từ giường ra khu vệ sinh…
“Ngân hàng có thể cùng với các trường đại học, nhà sáng chế… hợp tác cung cấp vốn để biến sáng chế thành sản phẩm thương mại được không?”, Bí thư Thăng đặt vấn đề và cho rằng Việt Nam không thể nào đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nếu không chịu dựa vào các phát minh sáng chế.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Đinh La Thăng đã đề cập đến mong muốn thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm cho người trẻ, doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp. “Vì muốn khởi nghiệp quan trọng là vốn, ý định của tôi muốn thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm với một phần vốn từ Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, nhưng tốt nhất là vốn cổ phần”, ông bộc bạch.
Để lý giải cho những ý tưởng trên, Bí thư Thăng cho rằng, ông nhận thấy tinh thần khởi nghiệp ở thành phố đang rất hứng khởi, không chỉ người lớn mà ngay cả các em học sinh cấp hai, ba cũng đã bắt tay vào khởi nghiệp. Họ có ý tưởng tốt và rất cần có sự hỗ trợ về mặt tài chính.
Do vậy, ngân hàng phải là nơi quan trọng cần đứng ra tham gia tài trợ vốn cho những tinh thần khởi nghiệp này để cùng thành phố xây dựng phong trào khởi nghiệp, tạo thành làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ. “Chúng ta phải đưa TP HCM thành một đô thị khởi nghiệp”, ông nói.
[Nguồn: VnExpress.net]
2. Money Lover cán mốc 1 triệu người dùng toàn cầu.
Money Lover — ứng dụng quản tài chính cá nhân trên điện thoại thông minh và máy tính, cán mốc 1 triệu người dùng toàn cầu. Con số này đạt được sau một năm sản phẩm ra mắt tính năng đám mây (Cloud) cho người dùng.
Bên cạnh việc cải thiện trải nghiệm người dùng thông qua ứng dụng công nghệ đám mây, Money Lover cũng tiến hành cải tiến nhiều tính năng quan trọng như: lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm, quản lý hóa đơn nhằm tối ưu và đơn giản hóa hoạt động quản lý chi tiêu cá nhân của người dùng một cách tốt nhất.
Money Lover là ứng dụng thông minh và miễn phí giúp người dùng quản lý tài chính cá nhân. Ứng dụng do nhóm lập trình viên người Việt, đứng đầu là Ngô Xuân Huy phát triển. Năm 2014, với Money Lover, nhóm phát triển đã vinh dự nhận giải nhất cuộc thi Nhân tài đất Việt hạng mục Ứng dụng di động xuất sắc nhất.
Money Lover cho phép người dùng có thể quản lý và kiểm soát chi tiết các khoản từ đó có góc nhìn tốt hơn về “khả năng” tiêu tiền của cá nhân và có được kế hoạch chi tiêu phù hợp hơn. Người dùng cũng có thể tiết kiệm tiền thông qua việc quản lý chi tiêu và ghi nhớ các khoản vay, nợ; theo dõi và quản lý các hóa đơn hàng tháng.
[Trích lược: Techrum.vn]
3. Vốn “ngoại” dồn dập chọn Việt Nam là điểm đến
Những tháng đầu năm 2016, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Một trong những yếu tố tạo nên bức tranh thu hút FDI đầy sắc hồng này là nhờ những hiệp định thương mại tự do được ký kết hay hoàn tất đàm phán gần đây.
Thu hút FDI cao nhất trong nhiều năm trở lại đây
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2015, vốn FDI đăng ký là 22,757 tỷ USD (tăng 12,5% so với năm 2014), vốn thực hiện là 14,5 tỷ USD (tăng 17,4% so với năm 2014). Nhiều dự án FDI có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20–2–2016 cả nước có 291 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là hơn 1,9 tỷ USD, tăng tới 167,5% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, còn có 137 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 898 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2015.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đã lên đến con số là 2,803 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2015.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài đã chỉ ra 5 lý do chủ yếu.
Một là, với 14,5 tỷ USD vốn FDI thực hiện năm 2015, vốn FDI đổ vào Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% FDI toàn cầu. Như vậy, dư địa để thu hút thêm FDI còn khá lớn.
Hai là, xu hướng mới của FDI vào châu Á đang có sự chuyển dịch từ Trung Quốc (hiện đứng đầu thế giới về thu hút FDI) sang các nước khác, mà Việt Nam được nhiều tập đoàn xuyên quốc gia lựa chọn là phương án số 1.
Ba là, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN (AC) trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), không gian kinh tế của nước ta đã được mở rộng ra khu vực.
Bốn là, môi trường đầu tư của Việt Nam từ giữa năm 2014 đến nay đã được cải thiện rõ rệt.
Năm là, nhờ “chất xúc tác” của các hiệp định thương mại tự do mới giữa nước ta với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, tác động tích cực đến FDI từ những nước đó vào Việt Nam.
[Nguồn: CafeBiz]
No comments: