Phần 4- Triển khai| 4.3. Công việc của CEO
CÔNG VIỆC CỦA MỘT CEO
Trước đó tôi đã nói rằng bản mô tả công việc chung nhất của CEO là đảm bảo rằng công ty sẽ dành chiến thắng. Mặc dù điều đó là đúng, tôi vẫn muốn nói thêm về công việc của CEO trong chương này.
Một CEO phải (1) đặt ra được tầm nhìn và chiến lược cho công ty (2) khiến mọi người yêu thích công ty (3) thuê và quản lý người, đặc biệt là cho những vị trí anh ta không giỏi (4) gọi vốn và đảm bảo rằng công ty sẽ không cạn kiệt vốn (5) đặt ra quy chuẩn chất lượng cho cả công ty.
Ngoài ra, anh ta còn cần phải tìm ra những phần việc nào của công ty mà mình yêu thích nhất và gắn bó với nó.
Như tôi đã nói ở phần đầu, đây là một công việc vô cùng cằng thẳng. Nếu bạn thành công, cuộc đời bạn sẽ bước lên một tầm cao mới mà bạn không thể tưởng tượng nổi — công ty sẽ chiếm toàn bộ tâm trí của bạn. Tập trung tối đa và cường độ làm việc mạnh nhất có nghĩa là bạn khó mà đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bạn có thể còn có gia đình, tham gia các cuộc thi ba môn phối hợp, gì cũng được nhưng có lẽ thế là nhiều lắm rồi. Lúc nào bạn cũng phải sẵn sàng, và sẽ có rất nhiều quyết định cần chính bạn quyết, bất kể bạn có thể giao việc cho người khác tốt thế nào đi nữa.
Một startup thành công sẽ cần rất nhiều thời gian — chắc chắn là nhiều hơn các founder nghĩ ban đầu. Bạn không thể coi đó chỉ là việc mình cần cố thức một đêm để làm. Bạn cần phải duy trì một cuộc sống khoẻ mạnh, khoa học. Bạn phải dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Bạn cũng cần phải làm một công việc mà bạn thực sự say mê- nếu không bạn chẳng thể nào làm được trong 10 năm.
Lúc nào mọi thứ cũng có thể hỏng hết cả — mức độ khủng khiếp của thất bại đó sẽ làm bạn ngạc nhiên lắm đó. Công việc của bạn là phải sửa chữa những thất bại đó mà vẫn phải cười tươi và trấn an team của bạn rằng mọi thứ đều ổn. Thông thường mọi thứ không thật sự tồi tệ như bạn nghĩ, nhưng có lúc thật sự như vậy. Dù thế nào thì hãy vẫn tiếp tục cố gắng.
CEO cũng không thể biện hộ. Sẽ xảy ra nhiều điều bất công và khó khăn, nhưng đừng bao giờ nói với chính mình, đặc biệt là với team “giá mà chúng ta có nhiều tiền” hay “giá mà chúng ta có kĩ sư khác”. Một là phải tìm ra cách để có những thứ đó hoặc là cách để thành công kể cả không có chúng. Những người mà tự nguỵ biện quá nhiều thường thất bại. Hãy để bản thân bạn chịu sự bất công một phút rồi phải nhận ra rằng chính bạn mới là người đưa ra cách giải quyết. Cố gắng trở thành một người mà người ta sẽ nói về bạn rằng “X sẽ luôn luôn làm được mọi thứ”.
Không một founder lần đầu nào có thể biết chính xác anh ta đang làm gì. Nếu bạn hiểu bạn đang làm gì và hỏi sự giúp đỡ, bạn sẽ giỏi hơn từng ngày. Bạn cần thời gian để học để trở thành một leader và một nhà quản lý giỏi. Cách tốt nhất là tìm một mentor giỏi — đọc sách cũng chẳng có tác dụng lắm đâu.
Phần lớn những lời khuyên của chúng tôi ở YC là “cứ hỏi họ đi” hoặc “cứ làm đi”. Những founder mới thường nghĩ rằng có một bí mật nào đó bạn có thể hỏi ai khác khi cần điều gì đó hoặc khi bạn làm điều gì đó. Nhưng một lần nữa, tôi phải nói lại rằng “startup là nơi mà các thủ thuật không thể phát huy tác dụng” . Cứ thẳng thắn, hỏi những gì bạn cần, đừng là một thằng đểu.
Điều quan trọng là bạn có thể tạo ra ảo tưởng lớn về công ty bạn cho người khác nhưng không phải chính mình. Bạn phải thuyết phục người khác rằng công ty bạn sẽ trở thành công ty quan trọng nhất của thập kỉ, nhưng thuyết phục chính bạn là phải luôn sẵn sàng trước những điều có thể thất bại.
Hãy kiên trì, phần lớn founder từ bỏ quá sớm hoặc chuyển sang một sản phẩm khác qua nhanh. Nếu mọi thứ nhìn chung tiến triển không được tốt lắm, phải tìm nguyên nhân gốc rễ và giải quyết nó. Phần quan trọng nhất của một CEO thành công là không được từ bỏ (mặc dù bạn chắc cũng không muốn trở nên cố chấp (giữ lấy công ty — ND) mặc kệ mọi lý do — đây là một mâu thuẫn rõ ràng, và cần sự cứng rắn để đưa ra quyết định)
Hãy lạc quan. Chắc là có thể có những CEO bi quan ở chỗ này chỗ kia, nhưng tôi chưa gặp họ bao giờ. CEO cần tin rằng chắc chắn tương lai sẽ tốt hơn, và công ty của bạn sẽ giúp tương lai tốt hơn nữa, niềm tin này sẽ lan toả tới toàn bộ công ty. Nói như vậy thì dễ nhưng thực tế sẽ có nhiều thử thách ngắn hạn (khiến bạn khó giữ vững niềm tin vào tương lai –ND). Nhưng đừng đánh mất niềm tin đó, và tin rằng những thử thách ngày qua ngày đó sẽ trôi qua và được thay thế bằng sự tiến bộ năm này qua năm khác.
Một trong những phần công việc quan trọng nhất của bạn là đề ra được sứ mệnh và xác định được giá trị cho công ty của bạn. Cái này nghe có vẻ giả tạo (nguyên văn-hokey) nhưng nó đáng giá để làm ngay từ đầu. Bất kì điều gì bạn đề ra từ đầu thường sẽ có hiệu lực trong nhiều năm tiếp theo, và khi công ty bạn phát triển, bạn tuyển người mới hay bán hàng những người khác đều là dựa vào sứ mệnh và giá trị của công ty. Nên hãy viết những giá trị văn hoá và sứ mệnh của công ty sớm vào.
Một cái nghe có vẻ sáo rỗng khác mà tôi thấy cần nhắc lại: xây dựng công ty cũng giống như xây dựng một thứ tôn giáo mới. Nếu người ta không gắn những thứ họ làm hằng ngày với một mục đích cao đẹp hơn, họ sẽ không thể làm tốt công việc được. Tôi nghĩ rằng Airbnb đã làm được việc này tốt nhất trong mạng lưới của YC, và tôi gợi ý bạn nên xem các giá trị văn hoá của họ.
Một sai lầm mà các CEO thường mắc phải là cố đổi mới trong mảng cũ mòn của doanh nghiệp, thay vì cải tiến sản phẩm và giải pháp mới. Ví dụ, nhiều founder thường nghĩ rằng họ nên tìm cách mới để làm HR, marketing, sales, financing, PR,…. Điều này phần lớn là sai lầm. Hãy cứ làm những thứ mà người ta đã chứng minh hiệu quả rồi, và tập trung trí sáng tạo của bạn vào sản phẩm và dịch vụ bạn đang xây dựng.
No comments: